6 cách làm tăng 'hormone hạnh phúc'

28/03/2025
|
0 lượt xem
Các Bệnh Sức Khỏe Ung Thư
6 cách làm tăng 'hormone hạnh phúc'

Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh giúp các tế bào trong não và cơ thể giao tiếp với nhau. Hormone này hỗ trợ điều chỉnh tâm trạng, giấc ngủ, ảnh hưởng đến cảm giác hạnh phúc, thư giãn và ổn định tinh thần, nên được gọi là "hormone hạnh phúc". Mức serotonin thấp có thể làm tăng nguy cơ lo lắng, trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Một số thói quen lành mạnh dưới đây góp phần làm tăng serotonin trong cơ thể.

Tập thể dục

Hoạt động thể chất kích thích cơ thể giải phóng các hóa chất giúp cải thiện tâm trạng, bao gồm cả serotonin. Người trưởng thành nên dành ít nhất 150 phút tập thể dục cường độ trung bình mỗi tuần (khoảng 5 buổi, tập 30 phút) hoặc 75 phút tập thể dục cường độ cao (khoảng 3 buổi, tập 25 phút) để mang lại lợi ích cho sức khỏe tinh thần. Người trên 65 tuổi nên tập luyện ít nhất 2-3 lần một tuần để thúc đẩy cơ thể tăng serotonin.

Bổ sung thực phẩm giàu tryptophan

Tryptophan là loại axit amin tham gia vào quá trình sản xuất serotonin. Cơ thể không tự sản xuất tryptophan nên cần bổ sung qua chế độ ăn uống. Các thực phẩm giàu tryptophan bao gồm rau lá xanh, hạt bí ngô, hạt mè, hạt hướng dương, đậu phộng, lòng trắng trứng, đậu nành, thịt gia cầm...

Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời

Ánh sáng có thể kích thích não sản xuất serotonin. Ngược lại, người ít tiếp xúc với ánh sáng, thiếu vitamin D có liên quan đến rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) - một dạng trầm cảm. Người trưởng thành nên hình thành thói quen đi bộ buổi sáng hoặc chiều, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời 20-30 phút để cải thiện mức serotonin.

Kiểm soát căng thẳng

Căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể theo nhiều cách, bao gồm giảm sản xuất và tuần hoàn serotonin. Khi căng thẳng, cơ thể giải phóng hormone cortisol, làm thay đổi tâm trạng và giảm lượng serotonin có sẵn trong não. Kiểm soát căng thẳng bằng cách tham gia các hoạt động yêu thích, thực hành chánh niệm như yoga hoặc thiền, ngủ đủ giấc, trị liệu tâm lý...

Kết nối xã hội

Giao tiếp với bạn bè, người thân đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe tinh thần, cảm xúc và thể chất. Nó còn giảm căng thẳng và thúc đẩy hoạt động thể chất. Các tương tác xã hội tích cực có thể tăng "hormone hạnh phúc" serotonin bằng cách kích thích oxytocin - chất hóa học liên quan đến sự gắn kết và cảm xúc tích cực.

Massage

Massage kích thích cơ thể giải phóng serotonin và dopamine, đồng thời làm giảm cortisol. Nếu có điều kiện, bạn có thể thử massage hai buổi, khoảng 20 phút mỗi tuần, để thúc đẩy cơ thể sản xuất "hormone hạnh phúc".

Anh Chi (Theo Health)

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật